Chức vụ, danh hiệu có thực sự quan trọng với bạn?

Thi Tran
5 min readApr 18, 2020

Một sinh viên ra trường với tấm bằng loại giỏi ở 1 trường đại học danh giá hay 1 kỹ sư phần mềm có kinh nghiệm làm việc ở nhiều cty lớn chắc chắn sẽ luôn là ưu tiên của nhà tuyển dụng. Đó chỉ là ưu ái đầu tiên và duy nhất của họ đối với bạn so với những người khác. Mọi thứ chỉ là bắt đầu và phần còn lại nằm ở năng lực thực sự của bạn.

Bạn có đang mặc chiếc áo quá cỡ?

Cách đây vài năm, mình cùng một số người bạn lập ra 1 cty khởi nghiệp và mình phụ trách mảng công nghệ nên trên danh nghĩa mình có chức vụ nghe khá là oách xà lách — Giám đốc công nghệ. Bản thân mình xác định đó thực sự là 1 thử thách rất lớn, là 1 chiếc áo quá cỡ đối với mình vào thời điểm đó. Mặc dù mình đã rất cố gắng nhưng đối với người trẻ còn thiếu kinh nghiệm như mình thì thực sự nó quá khó. Đó cũng là 1 trong những lý do dự án không thể tiếp tục phát triển được.

Bạn sẽ gặp không ít trường hợp làm được tầm 2 năm là trong chức vụ của các bạn sẽ có thêm chữ “senior" ở phía trước. Ví dụ: Senior Software Engineer, Senior Backend Developer,… Tất nhiên mình không hề phê phán bởi nếu bạn có năng lực, trong thời gian ngắn lĩnh hội được rất nhiều kiến thức, tích luỹ nhiều kinh nghiệm thì chuyện ghi thêm “senior" thì không có gì to tát cả. Điều quan trọng là bạn cảm thấy nó không quá khả năng của bạn và cty nơi bạn làm việc công nhận điều đó là được. Nếu đã ghi vào thì hãy có trách nhiệm với nó.

Chức vụ, danh hiệu là con dao 2 lưỡi

Có 1 profile tốt là lợi thế nhưng cũng đồng thời là bất lợi đối với bạn khi bắt đầu với 1 môi trường mới, thử thách mới. Bất lợi là mọi người sẽ đặt sự kì vọng vào bạn lớn hơn so với những người khác. Nếu trong profile bạn từng làm lead thì họ kì vọng bạn sẽ thể hiện được vai trò quản lý, nếu như bạn là “senior" thì họ kì vọng bạn sẽ thành thạo hơn những người mới vào làm,… Và ngay từ lúc phỏng vấn thì bạn chắc chắn sẽ được nhà tuyển dụng tập trung vào những câu hỏi để “xứng tầm" với profile của bạn. Thử nghĩ xem nếu bạn đao to búa lớn trong profile mà không thể hiện được điều đó cho họ thấy thì họ sẽ thất vọng thế nào về bạn?

Thành tích của bạn trong quá khứ cũng sẽ có 1 áp lực tương tự. Nếu bạn có thành tích học tập xuất sắc, có rất nhiều danh hiệu khi còn là sinh viên thì chính bạn, gia đình bạn sẽ kì vọng lúc bạn ra trường sẽ phải có 1 công việc thật tốt, thu nhập thật cao thì mới tương xứng. Một số bạn khi đi làm sẽ đòi hỏi cty phải sắp xếp cho bạn 1 công việc làm sao tương xứng với “thành tích" như vậy chứ không nghĩ là làm sao áp dụng những kinh nghiệm đó để đóng góp cho tổ chức, cty như thế nào để phát triển.

Đừng ảo tưởng hay ngủ quên trên chiến thắng

Chính vì danh hiệu, chức vụ là con dao 2 lưỡi nên bạn cần giữ được cái đầu lạnh chứ đừng mãi ôm quá khứ hoành tráng đó mà không có sự cố gắng ở hiện tại mà nhiều người hay gọi là “ăn mày quá khứ". Cái người khác nhìn thấy là giá trị hiện tại của bạn chứ không phải là quá khứ.

Vài năm trước, trường đại học của mình có mời mình về làm khách mời trong 1 buổi toạ đàm về “Sinh viên 5 tốt” để chia sẻ danh hiệu này đã giúp mình phát triển ở môi trường doanh nghiệp như thế nào. Hôm đó mình có 1 phát biểu rằng các bạn đừng thoả mãn với danh hiệu đạt được trong hôm nay bởi khi ra cty họ cũng sẽ không quá quan trọng danh hiệu mà là năng lực của bạn. Giá trị của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt" nằm quá trình tích luỹ, rèn luyện để đạt được danh hiệu, nó mới là điều quan trọng giúp ích rất nhiều cho bạn khi đi làm. Mặc dù sau phát biểu đó làm cho nhiều bạn hụt hẫng nhưng mình hy vọng các bạn ấy sẽ tập trung vào giá trị của quá trình chứ không phải là danh hiệu.

Chỉ có thể ra quyết định khi có chức vụ?

Nhiều bạn khi đi làm thường tỏ ra khá e ngại khi ra quyết định vì mình không có vai trò quan trọng nên sẽ không có tiếng nói trong team. Thử nghĩ nếu bạn không có năng lực ra quyết định thì khi nào bạn mới lên được vị trí của người ra quyết định?

Cách đây không lâu trong team mình có 1 trường hợp một bạn developer làm 1 tính năng cho phần mềm, sau khi đưa ra giải pháp cho lead thì bị từ chối và yêu cầu bạn đó tìm giải pháp khác. Vậy là bạn đó cứ lay hoay tìm giải pháp mất gần cả tuần và khi mình được yêu cầu vào hỗ trợ chức năng đó, mình gặp lead trao đổi giải pháp gần giống như bạn kia nhưng có kèm theo những lý do thuyết phục, vậy là lead đồng ý theo giải pháp đó dù trước đó đã từ chối bạn kia.

Không phải bất cứ việc gì bạn cũng cứ chờ đợi sếp ra quyết định cho mình vì họ có những việc quan trọng hơn và sẽ không có thời gian nghĩ ra giải pháp cho bạn. Thay vào đó, bạn mới chính là người có thể gián tiếp ra quyết định bằng những cách giải quyết vấn đề với những lý do thuyết phục hợp lý với cấp trên của mình. Và quan trọng, nó nằm ở năng lực chứ không phải nằm ở chức vụ.

Điều gì mới thực sự quan trọng?

Bạn muốn ghi thành tích bạn thế nào cũng được, profile trên CV chém thế nào cũng được. Bạn làm được vài năm đủ cảm thấy đủ kinh nghiệm thì cứ tự tin ghi vào profile của mình là senior cũng được. Hoặc bạn cũng có thể cùng bạn bè tự mở ra cty rồi trở thành founder, co-founder, giám đốc các kiểu thoải mái. Bạn hoàn toàn có quyền làm những điều đó nhưng hãy cân nhắc rằng nó có tương xứng năng lực thực sự của mình và bạn cảm thấy thoải mái với nó.

Đừng để chức vụ, thành tích trở thành điều ảo tưởng, áp lực cản trở bạn phát triển mà lấy nó làm động lực để tiếp tục trau dồi, không ngừng nâng cao năng lực của mình để chứng minh cho người khác thấy bạn xứng đáng với vị trí đó nhé.

--

--

Thi Tran

I’m a software engineer. I love programming, writing & sharing.