Những kiểu giao tiếp kém hiệu quả cần hạn chế

Thi Tran
5 min readMay 23, 2020

Giao tiếp là 1 trong những kỹ năng mình nghĩ là không thể thiếu nếu bạn muốn đạt hiệu quả trong công việc, học tập, đời sống xã hội nên hôm nay mình sẽ liệt kê 1 số lỗi giao tiếp thường gặp để nếu như bạn đang mắc phải thì hãy tập hạn chế nó lại nhé.

1. Muốn giao tiếp mà chỉ chào thăm dò

Mình hay gặp những trường hợp nhắn tin hỏi thăm, nhờ vả nhưng chỉ vọn vẹn kiểu “hi anh", “hi Thi" và không nói gì thêm kiểu như chờ mình trả lời rồi mới nói vấn đề thế nào. Nếu là đồng nghiệp, bạn bè của nhau thì có thể người nhận sẽ chào lại vì lịch sự, nhưng cũng sẽ có 1 số người cảm thấy kiểu đã nhắn thì nhắn luôn vấn đề gì để có biết trao đổi cho tiện bởi họ cũng đang bận mà phải có cái cảm giác “hơi phiền" khi chờ bạn bổ sung vấn đề chính nữa. Chưa kể nếu người nhận bận, sau 1, 2 tiếng sau mới trả lời lại lúc đó họ cũng chỉ chào lại và phải chờ bạn nói tiếp, vậy thì quá tốn thời gian đúng không?

Mình cũng gặp một số trường hợp một số bạn làm tuyển dụng trao đổi trên Linkedin hay qua Skype cũng chào kiểu như vậy, đối với trường hợp đồng nghiệp, bạn bè ở trên mình còn thấy chưa hiệu quả thì với ấn tượng ban đầu mới biết nhau như vậy thì lại càng không hiệu quả.

Vậy nếu bạn có vấn đề, công việc cần trao đổi cứ việc ghi đầy đủ điều bạn cần cho người nhận, họ đang online thì cũng không cảm thấy phiền hoặc nếu offline thì đến khi họ nhận cũng có thể phản hồi được.

2. Lạm dụng mẫu sẵn có

Nếu bạn sử dụng Facebook, Zalo thì mỗi dịp tết đến, lễ kỷ niệm gì đó, sẽ thường có sẵn 1 mẫu tin nhắn cầu kì hoa lá hẹ gì đó rồi mọi người chỉ cần tốn vài giây để forward đi cho người nhận đỡ mất thời gian. Cá nhân mình cho rằng đã chúc nhau thì nên chúc có tâm 1 tý, bạn chẳng chúc bằng những tin nhắn cầu kì như vậy, chỉ cần tin nhắn có nội dung cụ thể với từng người nhận thì họ mới cảm thấy thực sự trân quý. Mình chưa bao giờ forward những tin nhắn kiểu như vậy, nó giống như kiểu “HPBD" hay “CMSN" trên Facebook, và đó cũng là lý do mình đã ẩn ngày sinh trên cả Facebook, Zalo.

Trường hợp một số bạn làm tuyển dụng trên Linkedin cũng vậy, mới kết bạn với nhau thì đã spam 1 tin nhắn dài lằn ngoằn kiểu như đưa nguyên cái Job description vào mặt của người nhận mà chưa cần biết họ có open cho cơ hội mới hay đang tìm việc gì không. Và thường thì mình cũng chẳng biết phải trả lời tiếp theo như thế nào nên sẽ chỉ xem rồi bỏ qua.

Vậy nếu bạn thực sự có tâm và muốn có hiệu quả giao tiếp thì đừng ngần ngại dành 1 ít thời gian ra để soạn 1 tin nhắn phù hợp với đối tượng người nhận, đừng để cả bạn và người nhận rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nhắn tin cho có thủ tục.

3. Thích nói về bản thân

Họ là những người có bệnh sỉ diện rất lớn. Họ thích được mọi người công nhận họ tài giỏi, giàu có, hơn người,… đại loại là muốn trở thành trung tâm của buổi nói chuyện nên thường họ sẽ tận dùng mọi không gian thời gian để nói cái gì đó liên quan đến mình.

Nếu bạn để ý thì ngay trên Facebook cũng có những người có biểu hiện như vậy là thay vì họ chia sẻ riêng trên trang cá nhân của mình thì đôi khi cũng hay đi “comment dạo" vào bài viết người khác rồi cũng cố gắng chèo lái về mình như thể mình là nhân vận chính của bài viết vậy.

Bản thân mình trước đây cũng từng vi phạm điều này, thích nói về thành tích, năng lực nhưng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Mình nhận ra 1 là bạn “khoe” kiểu đúng chỗ, đúng người hoặc 2 là hãy để người khác nói về bạn thì nó sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Nói không đúng đối tượng đôi khi chỉ khiến người khác khó chịu và cảm thấy bạn “dễ ghét" hơn bình thường.

4. Không lắng nghe người khác

Nếu người nào thích nói về bản thân như mình đã trình bày ở trên thì họ rất ít khi nghe người khác nói hoặc cũng sẽ bỏ ngoài tai thôi. Bởi vì phần lớn thời gian khi họ giao tiếp với bạn, họ sẽ tập trung nghĩ xem mình chuẩn bị nói gì tiếp theo nên sẽ phớt lờ đi những gì người khác nói. Vậy rồi ai muốn nói chuyện với bạn nữa?

Bạn không tập trung vào chủ đề người nói, không dành thời gian để hiểu họ nhiều hơn thì sao tạo ra được hiệu quả giao tiếp? Hồi xưa mình hoạt ngôn và thích nói nhiều lắm, giờ đỡ hơn nhiều rồi :D

Vậy nên lúc trao đổi đừng cố gắng giành nói hết phần người khác mà hãy tập trung lắng nghe nhiều hơn vào vấn đề của người nói để cuộc nói chuyện có chiều sâu hơn là mạnh ai nấy nói rồi chẳng đọng lại được gì mà mối quan hệ cũng khó mà thân thiết được.

Trên đây là những biểu hiện của việc giao tiếp kém hiệu quả, hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong công việc, cuộc sống. Nếu bạn còn biết biểu hiện nào khác thì có thể chia sẻ thêm nhé ;)

--

--

Thi Tran

I’m a software engineer. I love programming, writing & sharing.