Vượt khỏi tiêu chuẩn của dư luận

Thi Tran
4 min readOct 3, 2020

Mình có biết 1 câu chuyện ở 1 ngôi chùa nọ có 1 con mèo hay phá phách. Mỗi lần các sư thầy chuẩn bị tụng kinh thì con mèo nó lại đi vào phá làm cho các thầy không tập trung được. Thế là trụ trì liền bảo đệ tử của mình bắt nhốt con mèo vào lồng mỗi lần tụng kinh. Rồi vài chục năm sau đó, những đồ đệ ngày trước đã trở thành trụ trì ở những nơi khác nhau. Họ yêu cầu đệ tử mình đi mua mèo về, cứ đến giờ tụng kinh thì lại nhốt mèo vào lồng và khi được hỏi tại sao phải làm như vậy thì trụ trì bảo đó đã là truyền thống bao đời rồi.

Vậy là từ việc nhốt mèo vào lồng để nó không phá phách thì nó lại trở thành 1 tiêu chuẩn cần có của nhà chùa sau này. Nếu liên kết câu chuyện này với cách truyền thông, dư luận ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người sẽ thấy sự liên quan. Nhiều người dùng truyền thông, dư luận để làm tiêu chuẩn của mình mặc dù không biết nó có thực sự phù hợp với mình hay không.

Tiêu chuẩn dễ thấy nhất chính là tiêu chuẩn về sự giàu có. Phải có thật nhiều tiền, phải có nhà lầu, có xe hơi, mặc đồ hàng hiệu,… mới là giàu có theo quan niệm của nhiều người. Khi giàu có thì mình sẽ nhận được sự kính trọng từ mọi người xung quanh. Thế rồi nhiều người cố gắng khoác lên mình vẻ ngoài giàu có, đeo đuổi những đồ xa xỉ, hàng hiệu để được người khác công nhận điều đó. Mình biết có những người họ kiếm tiền 10 nhưng chi tiêu đến 9 thậm chí vay mượn để mua cho bằng được 1 cái điện thoại đời mới, 1 chiếc xe xịn mặc dù họ chưa thật sự cần đến nó. Tất nhiên có mục đích để có động lực kiếm tiền là không sai nhưng chỉ vì những giá trị ảo không phù hợp với nhu cầu của mình thì cần suy nghĩ lại.

Tiếp theo là tiêu chuẩn hạnh phúc. Khi mà internet phát triển, các sản phẩm truyền thông phim ảnh cũng phát triển đưa chúng ta tiếp cận nhiều hơn. Những câu chuyện ngôn tình, lãng mạn trên phim ảnh làm chúng ta mơ mộng hơn, kì vọng nhiều hơn trong chuyện tình cảm rồi trở thành tiêu chí chính trong việc lựa chọn của mình mà quên rằng cuộc sống không màu hồng như vậy, đặc biệt khi phải đối mặt với chuyện cơm áo gạo tiền thì ngôn tình không đem ra ăn được. Hay chuyện nhiều người hay có cái nhìn không thiện cảm với những người đã ly hôn, đàm tiếu này nọ mà chẳng cần quan tâm chuyện ly hôn là giải thoát họ khỏi người phụ bạc, khỏi hôn nhân bế tắc.

Một tiêu chuẩn khác là tiêu chuẩn về thành công. Đây là cái mà nhiều bậc phụ huynh áp đặt quá lớn lên con cái của mình. Bài viết trước mình từng đề cập việc thấy người khác kiếm tiền dễ dàng, dễ thành công rồi lao theo dù không tìm hiểu thực hư, khó khăn ra sao để rồi bỏ cuộc giữa đường. Ba mẹ mình cũng đã từng bị ảnh hưởng bởi những tiêu chuẩn như vậy rồi cũng tác động đến mình nhưng may mắn mình đã chứng minh con đường mình chọn là đúng đắn. Không cần phải là học sinh giỏi cũng có thể đậu đại học mơ ước. Học đại học không cần phải loại xuất sắc, học bổng như bạn bè cũng vẫn ra trường đi làm với thu nhập tốt. Dám bước ra vùng an toàn, thu nhập thấp để có những bài học giá trị cho mình. Con khỉ leo cây thành công không có nghĩa con cá cũng phải leo cây thành công hay con khỉ phải bơi dưới nước như con cá mới gọi là thành công được.

Cái cuối cùng mình muốn đề cập đến chính là sở thích. Ai cũng có sở thích của riêng mình, có thể giống cũng có thể khác với số đông nhưng đó quyền và lựa chọn của họ. Ấy thế mà mình thấy nhiều người xem sở thích của người khác mà nó hơi khác biệt so với mình thì cũng đánh giá, phê phán và cho rằng họ lập dị hoặc tầm thường các kiểu. Bạn thích nhạc bolero không có nghĩa là bạn có quyền phê phán người nghe nhạc rap hoặc ngược lại. Bạn xem 1 bộ phim rất hay với mình không có nghĩa người khác cũng phải đánh giá là hay cho bạn được. Bạn không thích các hoạt động tập thể không có nghĩa là bạn có thể chửi những người năng động tham gia là dở hơi, rảnh ruồi hoặc ngược lại bạn năng động cũng không có quyền chửi những người khác là thụ động. Bạn có thể thích Messi không đồng nghĩa bạn có quyền chửi fan C. Ronaldo là fan Rô “đĩ” hoặc ngược lại bạn thích CR7 thì cũng đừng chê fan M10, Barca là đám cules này nọ,… và rất nhiều trường hợp bất đồng về sở thích tương tự vậy.

Tạm kết: Hãy lựa chọn con đường, cuộc sống phù hợp cho riêng bạn, đừng để tiêu chuẩn số đông, tiêu chuẩn của xã hội áp đặt lên bạn để bạn gặp áp lực, hoang mang mà quan trọng là bạn cảm thấy vui vẻ, hài lòng là được. Và cũng đừng lấy tiêu chuẩn, sở thích của bản thân mình để đánh giá, phê phán người khác mà hãy chấp nhận, cởi mở bởi đó mới là sự đa dạng của xã hội. Vậy hen!

--

--

Thi Tran

I’m a software engineer. I love programming, writing & sharing.